Rút ngắn khoảng cách với nhân viên để giữ nhân tài
Người quản trị giỏi không phải lúc nào cũng "tham việc" mà cần có tầm nhìn để xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa với nhân viên, thúc đẩy họ chung sức xử lý các vấn đề một cách hiệu quả.
Theo bà Phạm Thanh Vân, người từng có thâm niên làm giám đốc nhân sự ở một tập đoàn đa quốc gia hơn 20 năm quản lý 5 nước trong khu vực Đông Dương, đang là chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp, hiện tại ở các doanh nghiệp Việt Nam, khoảng cách giữa nhân viên với lãnh đạo còn khá xa..
"Nhân viên thấy sếp từ xa thì vội vã đi thật nhanh hay lảng tránh chỗ khác. Còn quản lý chỉ thích chỉ trích, 'soi' từng lỗi nhỏ của những người dưới quyền mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề và giúp họ sửa chữa. Đây là những ví dụ điển hình trong doanh nghiệp cho thấy môi trường làm việc đang bị phân cấp rõ rệt, gây nguy cơ bất ổn nội bộ cao", bà Vân nói.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, sự gần gũi không có nghĩa là đối xử dễ dãi dẫn đến sự "nhờn mặt" của nhân viên, mà rút ngắn khoảng cách ở đây được xem như việc nhà quản lý biết quan tâm, thông cảm, tìm hiểu tâm lý nhân viên, một trong những yếu tố chủ chốt của công tác nhân sự.
"Một người lao công, bảo vệ hay một nhân viên lái xe cũng nên được đối xử và hưởng quyền lợi như những nhân viên khác xứng đáng với sự cống hiến của họ. Lối ứng xử với nhân viên trong một công ty cũng phải như quy tắc hành xử như những người trong gia đình, có nghĩa là vừa có tình cảm nhưng vẫn phải đảm bảo sự tôn trọng chuẩn mực", ông chia sẻ.
Còn bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty TalentNet cũng cho rằng, khi khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên được rút ngắn đem đến hiệu quả chiến lược nhân sự thể hiện qua sự hài lòng. Cấp quản lý hài lòng với nhân viên, từ đó nhân viên hài lòng với doanh nghiệp và công việc, môi trường làm việc. Nhờ vậy, mọi người có thể nhìn về một hướng, cùng chung sức thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Điểm nổi bật của việc quản trị nhân sự Việt Nam là dựa vào cảm xúc và mối quan hệ giữa các cá thể với nhau, giữa sếp và nhân viên hay quan hệ đồng nghiệp. Vì vậy, khác với các nước phương Tây, người nhân viên khi làm việc sẽ rất chú trọng đến sự quan tâm của sếp với mình, đến ngay cả những vấn đề riêng tư hoặc mối quan hệ giữa các đồng nghiệp.
"Do đó khi nhân viên chưa thể cống hiến hoặc hoàn thành tốt công việc được giao, thay vì chỉ chú trọng vào kết quả, người quản lý cũng nên tìm hiểu những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của nhân viên mình. Từ đó hai bên sẽ ngày càng hiểu nhau và hợp tác giải quyết công việc tốt hơn", bà Trinh nhận xét.
Theo ông Edward Foong, Tổng giám đốc Công ty Treino Consulting (Singapore), trong khi doanh nghiệp các nước trong khu vực đều xem chiến lược nhân sự là một phần không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh, thì Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đề ra chiến lược nhân sự tốt, chưa chú trọng tạo ra văn hóa bản sắc cho công ty.
Vì vậy, công tác nhân sự rất cần được chuyên nghiệp hóa, hội nhập với thế giới để tiếp cận được những phương pháp và quy trình nhân sự tiêu chuẩn, bài bản, mở rộng mối quan hệ để có thể thu hút người tài không chỉ trong nước mà còn từ nguồn nhân lực chất lượng cao trên toàn cầu.
Đây cũng chính là lý do mà Vietnam HR Awards 2014, giải thưởng về nhân sự đầu tiên tại Việt Nam, được phát động. Giải thưởng sử dụng phương pháp của Viện Quản trị nguồn nhân lực Singapore nhằm xây dựng một tiêu chuẩn chung cho các chiến lược nhân sự trong nước.
"Đây là cơ hội tốt để người làm nhân sự tìm hiểu và cập nhật thêm xu hướng ngành nghề từ các nước lân cận và toàn cầu. Vietnam HR Awards 2014 sẽ sử dụng các phương pháp, học hỏi những đúc kết hay từ Singapore để nâng tầm nền quản trị nhân sự Việt Nam, kết nối cộng đồng nhân sự ngày càng phát triển", bà Tiêu Yến Trinh, Phó trưởng Ban tổ chức Vietnam HR Awards 2014 chia sẻ.
Minh Trí - Thanh Viên | vnexpress
Làm sao “lọt vào mắt xanh” của công ty tư vấn nhân sự?
Được các nhà tuyển dụng cậy nhờ tìm kiếm nhân tài, các công ty tư vấn nhân sự có thể mang đến cho bạn cơ hội quý giá, nhưng những kỹ thuật đánh giá ứng viên chuyên nghiệp của họ cũng sẵn sàng loại bạn thẳng tay.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho bạn khi làm việc với các công ty tư vấn nhân sự:
1. Nhanh chóng trả lời điện thoại hoặc email của các công ty môi giới/ tư vấn nhân sự. Những công ty này cũng phải cạnh tranh lẫn nhau để nhanh chóng đưa ứng viên thích hợp đến với nhà tuyển dụng. Do đó bạn cũng cần nhanh chân trong cuộc đua này.
2. Các công ty tư vấn nhân sự thường thích các ứng viên có mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với kinh nghiệm làm việc. Hãy đảm bảo rằng CV của bạn thể hiện được tính nhất quán này. Bạn sẽ nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các chuyên viên nhân sự cũng như mắt xanh của nhà tuyển dụng.
3. Nếu bạn muốn chuyển hướng công việc khác hẳn những gì bạn đang làm, bạn phải thuyết phục họ về năng lực vượt trội so với các ứng viên khác. Nếu không, họ khó mà chuyển hồ sơ của bạn đến tay nhà tuyển dụng.
4. Các công ty tư vấn nhân sự nhận lương từ phí dịch vụ nên bạn đừng mong chờ rằng họ sẽ dành thời gian hướng dẫn bạn hay đánh bóng tên tuổi cho bạn.
5. Khi đăng hồ sợ trên mạng, bạn cần đảm bảo rằng hồ sơ bạn có nhiều từ khóa chính liên quan đến vị trí bạn cần tìm. Việc này sẽ giúp các chuyên viên nhân sự nhanh chóng tìm thấy bạn qua các công cụ tìm kiếm từ hệ thống dữ liệu có hàng ngàn ứng viên.
6. Nếu bạn thấy những quảng cáo tuyển dụng quá hoàn hảo và nghi ngờ nó là cái bẫy, có thể thực sự bạn đã đúng. Các công ty tư vấn nhân sự đôi khi cũng dùng những công việc hấp dẫn để thu hút hồ sơ ứng viên gửi về.
7. Bạn không nên đút lót hay hối lộ tiền cho các chuyên viên nhân sự để họ tiến cử bạn với nhà tuyển dụng. Điều này là phạm luật và cũng không tốt cho hình ảnh của một ứng viên chuyên nghiệp.
8. Nhắm đúng mục tiêu vị trí mà mình mong muốn. Cho dù chuyên viên nhân sự có thuyết phục bạn khéo thế nào đi nữa, hãy luôn tỉnh táo và đừng cảm thấy áp lực phải chọn một công việc theo giới thiệu của công ty tư vấn nhân sự. Sẽ là lãng phí thời gian khi bạn được tiến cử cho một công việc mà bạn không có ý định theo đuổi.
9. Thành thật và đảm bảo những thành tích học tập hay kinh nghiệm làm việc bạn liệt kê trong hồ sơ là chính xác. Những điểm mâu thuẫn sẽ dễ dàng bị nhà tuyển dụng nhận ra và phản ánh lại với công ty tư vấn nhân sự. Như vậy, họ sẽ mất lòng tin nơi bạn và sẽ không cân nhắc tiến cử bạn cho những cơ hội nghề nghiệp khác.
10. Nghĩ thật kỹ và vấn đề lương bổng bạn mong muốn và có thể ướm thử với các chuyên viên nhân sự về tính khả thi của mức lương này. Họ nắm rất rõ các mức lương thực tế trên thị trường.
Nguồn DÂN TRÍ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét